Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường

Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi từ 20 -79) mắc bệnh tiểu đường, dự kiến sẽ ở mức 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045. Việt Nam không nằm trong nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ mắc đái tháo đường cao nhưng lại là quốc gia có tốc độ phát triển bệnh nhanh.

Đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng nặng nề cho tim mạch và thần kinh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tắc mạch chi hay biến chứng trên mắt như bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm có thể gây mù lòa; trên thận như suy giảm chức năng thận; rối loạn chức năng miễn dịch thường dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm nấm.

Với những biến chứng nguy hiểm, đái tháo đường đang là vấn đề thời sự cấp bách của sức khỏe cộng đồng. Để góp phần can thiệp vào các yếu tố nguy cơ nhằm hạn chế các biến chứng của căn bệnh này, ngoài việc tuân thủ điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Một chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, đủ về số lượng và chất lượng có thể cân bằng đường huyết, giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường là hạn chế tối đa glucid (chất đường bột), điều này có tác dụng tránh tăng đường huyết, hạn chế các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa.

Đối với những người tiểu đường có tổng mức năng lượng ở nhóm lao động nhẹ và vừa thì có thể từ 30-35kcal/kg/ngày, nhóm lao động nặng từ 35-40 kcal/kg/ngày, nhóm những người béo phì nên hạn chế từ 24-26kcal/kg/người. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh tiểu đường được xác định cụ thể như sau:

- Protein: Lượng protein nên đạt 1-1,2 g/kg/ngày đối với người lớn, tức tỷ lệ này nên đạt tương đương 15- 20% năng lượng khẩu phần.

- Lipid: Tỷ lệ chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 30%. Hạn chế các axit béo bão hòa, điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

- Glucid: Tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp nên đạt từ 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường.

Vậy người bị bệnh tiểu đường nên ăn gì?

Người bệnh tiểu đường cần biết mình nên bổ sung thực phẩm như thế nào cho phù hợp, nên ăn gì và không nên ăn gì. Theo đó, những thực phẩm người bệnh tiểu đường nên ăn bao gồm:

Nhóm đường bột

Thực tế, chế độ ăn cho người tiểu đường không cần kiêng hoàn toàn chất đường, bột. Trong khẩu phần ăn vẫn có thể chọn ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là chất xơ có lợi cho tiêu hóa cũng như làm đường huyết tăng chậm hơn.

- Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ... được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa rán, xào...

- Không nên ăn hoặc hạn chế các loại đồ ăn như: bánh mì, bánh ngọt, các loại mỳ, nui… Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nếu người bệnh tiểu đường ăn các loại này thì cần giảm hoặc cắt cơm.